Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Người nhà quê... trong phố


Những vật dụng xa hoa nhất trong ngôi nhà tiện nghi hiện đại giữa lòng thành phố hóa ra chỉ là cái thúng, cái nia, bộ cày cuốc… những thứ gắn bó với cuộc sống nhà nông hằng ngày.
“Lạc lối” về quê
Một bộ sưu tập các đồ sản xuất và sinh hoạt của nông dân Đồng bằng Bắc bộ xưa đang được trưng bày tỉ mỉ đến từng chi tiết, gọn gàng trong căn phòng khoảng gần 100m2 ở khu tập thể Vĩnh Hồ. Đến thời điểm này, bảo tàng của ông Trần Phú Sơn đã được công nhận là bảo tàng tư nhân về sản xuất - sinh hoạt của nông dân Đồng bằng Bắc bộ đầu tiên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp "Bằng chứng nhận" ngay sau khi Quy chế "thành lập bảo tàng tư nhân" theo Luật Văn hóa được ban hành năm 2004. Bước vào phòng triển lãm đó, thực ra là tầng thượng của một ngôi nhà 5 tầng được chủ nhân quây lại, ai cũng sẽ choáng ngợp với lỉnh kỉnh những đồ nhà quê. Ông chủ cũng tỏ ra rất tài khi bày biện những cày, cuốc, nong, nia, giần, sàng, giường, chõng tre, điếu cày, dao thớt, bát đĩa... rất có lớp lang. Lối bày biện ấy vô tình mà hữu ý, làm khách luôn bất ngờ trước những vật dụng giản đơn, nhuần nhị như chính người nông dân.
“Người nhà quê” Trần Phú Sơn với những hiện vật đậm chất quê
Chủ nhân của bảo tàng, ông Trần Phú Sơn nghe đâu từng giữ một "ghế" rất oách bên ngành phát hành sách. Khách có gợi hỏi, ông cũng ậm ừ nhận là mình làm nghề phát hành sách đã về hưu. Về hưu rồi, ông dành thời gian lặn lội mọi làng quê sưu tập "đồ nhà quê" và ngày ngày hì hụi lau bụi trên những món đồ đó. Dường như với ai, "ông nhà quê" cũng có cách tiếp cận thế này: "Anh nào cũng xuất thân từ nông thôn cả, tuổi thơ ai cũng gắn với nhà quê. Ở đó họ sống có tình và thành thật lắm, chứ không phức tạp như ở thành thị". Cứ thế, những câu chuyện quê hương đã làm chủ và khách gần nhau một cách hợp lý. Tự nhiên như thể người quê, từ lúc nào người đàn ông đó đưa câu chuyện ngược mãi về thời điểm mấy chục năm về trước.
"Người nhà quê" làm chúng tôi bất ngờ khi nói về những ngày đầu đi sưu tập những thứ đồ "vớ vẩn". Ấy là năm 1985, trong một lần đi ăn giỗ ở Bắc Ninh, quê ngoại, thấy các cụ già sai đám thanh niên đem vứt cái cối xay lúa cùng cối giã gạo vào bụi tre đầu làng. Thấy tiếc, ông nghĩ luôn, sao mình không xin nó, khi về hưu sẽ trưng bày trong phòng làm việc. Thế là sau bữa giỗ, thay vì có chút lộc quê, ông vất vả chở chày, cối về nhà bày. Góc phòng ban đầu thấy hơi chướng khi những sản phẩm đó để sánh ngang với ti vi và tủ lạnh. Nhưng khi đã có thêm những sản phẩm khác, tự nhiên cái góc phòng đó trở nên sinh động hẳn. Ông đã chinh phục được bản thân mình bằng chính sở thích kỳ quặc vừa hình thành. Những chuyến về quê năng hơn và bộ sưu tập theo đó cũng được bổ sung nhiều hơn…
"Công nghiệp hóa nông thôn? Đương nhiên là đúng, tớ cũng như mọi người ủng hộ lắm chứ! Và rõ ràng để đỡ mất sức hơn thì cái cày, cái bừa, cái cối xay... bị bỏ quên sau xó nhà, rồi nắng mưa, mối mọt, lũ lụt qua mấy năm đã cuốn mất tăm. Thế nên từ những năm 80 của thế kỷ trước, ý tưởng sưu tập những đồ sinh hoạt của nông thôn đã hình thành trong tớ, mặc cho mọi người trong gia đình thắc mắc và gặng hỏi tớ lôi ở đâu cái thứ người ta vứt đi chẳng được, lại tha về, đúng là đồ lẩm cẩm - Khoan khoái chiêu một ngụm nước chè, "người nhà quê" cười phô cả hai hàm răng, giải thích.
Một cái tâm giữ làng
Cũng chẳng biết mình trở thành một nhà nông thôn học từ bao giờ nhưng ông Trần Phú Sơn rất khoái nói về chuyện làng quê. Như chạm đúng mạch ngầm, sau khi giới thiệu về triển lãm có một không hai, ông hồ hởi đưa cho tôi xem danh sách những đồ sản xuất và sinh hoạt của nông dân Đồng bằng Bắc bộ xưa và ướm lời hỏi khách tìm hộ xem ở ông còn thiếu thứ gì? Cách chất vấn ngược lại đó của chủ nhân làm những người "ngoại đạo" như chúng tôi vỡ ra nhiều thứ. Kiến thức về nhà nông mới chỉ dừng lại những vật dụng cày, bừa, liềm, hái... khi còn ngồi trên ghế trường học phổ thông đã được bổ sung thêm nhiều. Nhất là khi có rất nhiều thứ độc đáo và xa lạ với cuộc sống thường nhật đến độ "tra từ điển" cũng không thấy. Buổi tham quan bảo tàng tư nhân trở thành buổi học trực quan sinh động ấn tượng và thú vị ngay cả với những người rời giảng đường đại học đã khá lâu.
Không chỉ chúng tôi mà nhiều người thành phố, để liệt kê những vật dụng của nhà nông quả là rất khó nếu không kè kè một cuốn sách trên tay. Không thể cứ nôm na nghĩ đến nhà nông, vật đầu tiên là cái cày. Có thể nữa là cái bừa. Giản đơn như chiếc áo nông dân vốn dĩ chỉ được lũ trẻ thành phố nghe qua câu hát anh chàng ca sĩ Quang Linh "cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng" lại đang được coi như hiện vật đắt nhất trong nhà. Khoe với khách chiếc áo tơi lá mà ông Sơn không ngớt lời ví von đó là chiếc áo "3 trong 1": che nắng, che mưa và giữ ấm cho người nông dân những ngày mưa phùn, gió bấc căm căm. Ông còn chẳng ngại ngần tha về ba ông đầu rau làm bằng đất sét rắn chắc, vững chãi. Như con kiến tha lâu đầy tổ, mấy chục năm trời, cứ mỗi lần đi đến bất kỳ vùng nông thôn nào, ông cũng dành thời gian hỏi chuyện các lão nông, "nhòm ngó" gác bếp, chuồng trâu, nơi bà con nông dân thường chứa các đồ dùng sản xuất và sinh hoạt của gia đình, để cứ tích dần, tích dần… Có những vật như chiếc cày chìa vôi, tìm mãi tưởng chừng như bó tay thì nó lại đến với ông một cách tình cờ với cái giá 50.000 đồng.
Như mọi thú chơi khác, đương nhiên để có được những thứ quê mùa này, có khi ông Sơn đã phải trả giá không ít cả tiền bạc lẫn thời gian. Mới gặp ông tháng trước còn đang tâm đắc mãi món đồ là chiếc áo tơi… lần này đã khác. "Chiếc áo đấy tớ cho về nhì rồi!". Ông lấy cho tôi xem chiếc đấu bằng gỗ màu vàng nâu thường dùng để đong gạo của người nông dân xưa. "Món đồ nhỏ bé này tôi phải mất hơn hai năm trời lặn lội ở Thái Bình mới tìm được đấy!". Rồi nhân tiện ông khoe luôn chiếc mõ trâu bằng tre gõ lốc cốc dự định thay làm chuông nhà.
Nhưng không phải ông Sơn dành cho riêng mình một thú chơi tao nhã. Tằn tiện là thế nhưng ông biết giá trị việc mình đang làm, góp phần gìn giữ cái hồn làng quê cho những thế hệ sau, nên thật dễ hiểu, mất bao nhiêu công sức, tiền bạc dành cho thú vui sưu tập, nhưng đôi khi vị chủ nhân này lại "phóng tay rất hào hiệp" hiến tặng hiện vật. Như ngày khai trương thư viện Nguyễn Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), có 1.500 hiện vật từ khắp nơi hiến tặng thư viện thì có tới 300 hiện vật liên quan đến Nguyễn Du do ông tặng. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh gợi ý trao bằng khen cho ông, ông từ chối và chỉ nhận một cái bằng chứng nhận về treo trang trọng trong bảo tàng. Hay cách đây không lâu, ông hiến tặng cho Công ty Tem 8 con dấu kỷ niệm liên quan tới một số sự kiện quan trọng của dân tộc thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó tiêu biểu là hai con dấu kỷ niệm sự kiện bắn rơi 2.500 và 4.000 máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Lại một nụ cười nghiêng phô hàm răng với khách, "người nhà quê" lý sự: "Chẳng tiếc đâu, bởi tớ hiểu đó là những nơi người ta trân trọng và đương nhiên sẽ giữ cho mình mãi mãi".
Một ngày tiếp khách bình thường, ngồi trên chõng tre mà nghe ông chủ thao thao kể như "lên đồng" về những vật dụng như cái nơm, cái gàu vảy… rồi ai cũng như chúng tôi sẽ lạc vào sâu thẳm một cõi quên. Bộ sưu tập thể hiện một niềm đam mê, sự gắn bó với làng quê xưa, trong đó thú vị hơn cả khi hiện diện bộ dụng cụ để chế biến hạt lúa thành hạt gạo, gồm: cối xay, giàn xay, cối giã, chày; và nhóm thúng, mủng, giần, sàng. Qua năm công đoạn (xay - giã - sàng - sảy - giần) với mười dụng cụ, hạt lúa mới trở thành hạt gạo, cùng với những tấm, cám, trấu… đã làm bao người đắm đuối là thế. "Người nhà quê" từng tiếp nhiều tục khách. Khách nào ông cũng vui vẻ dẫn đi xem bảo tàng của mình và khoan khoái nhìn họ tha thẩn bên chiếc cối xay và ngẩn ngơ như hình dung lại hình ảnh các mẹ ở quê vừa xay lúa vừa hò giã gạo: "Khoan ơi khoan mời bạn, khoan với hò... ò...ò khoan". Một hình ảnh ấn tượng ngay cả với chủ và khách bởi nó đã gần như khuất bóng ngay ở các làng quê Việt Nam khi nhiều thiết bị hiện đại đã thay thế cho các thứ nông cụ tre, nứa một thuở ấy rồi!
"Còn nhớ dạo tôi đi dự buổi tổng kết ở một xã nọ. Tôi thấy vui, mừng khi nghe dân làng tự hào khoe là bây giờ 100% nhà có điện, 99% nhà dùng nước máy, 99% đường làng, ngõ xóm được đổ bê tông, 100% nhà đều có sân lát xi măng; máy móc đã làm đất, tuốt lúa thay cho trâu. Lúa gặt xong thì đã có thuyền, xe chở về. Gạo thì xay xát và thổi sạch bằng máy, nên không còn phải xay, giã, giần sàng... Nghe xong, người ta vỗ tay bôm bốp. Ừ thì vỗ tay thế cũng là phải. Nhưng bây giờ, tôi cứ tẩn mẩn: thì rõ ràng công nghiệp hóa nông thôn là tốt, bà con sẽ được ngơi nghỉ nhiều hơn nhưng rồi cái cày, con trâu, cái đơm, con cúi mất thì sao nhỉ? - "Người nhà quê" lại rơi vào trạng thái "lên đồng".
Ông nói với nhiều người mà như bộc bạch riêng với cõi lòng làm tôi cũng thấy chạnh nhớ về chốn ấy. Vẫn nguyên sơ một cảm giác bàng bạc trong nỗi nhớ nhà ngói cây mít, khói lam chiều nhàn nhạt, đêm ngày mùa nghe tiếng thậm thịch giã gạo… Quê hương không sinh thành ra tôi nhưng ông bà tôi ở đó chếch mé sông trong vòng tay ôm ấp của cánh đồng mát rượi. Một ngày kia tôi cũng lại về đó trong vòng tay đất mẹ bao dung. Rồi ai cũng sẽ mông lung một cảm xúc vời vợi hướng về quê hương như thế khi một lần gõ cửa "người nhà quê"!


(Theo HNMO)